Sản phẩm Khu_di_tích_lò_gốm_Tam_Thọ

Vò sành đựng lương thực tại Thanh Hóa, thế kỉ 11-12.

Sản phẩm gốm Tam Thọ gồm có ba dòng: đồ gốm đất nung, đồ sành và đồ gốm tráng men. Trong đó, đồ sành ở lò gốm Tam Thọ chủ yếu là đồ gia dụng có kích thước lớn, thành dày, độ nung không cao.[3]

Có khoảng 18 loại hình hiện vật khác nhau ở Tam Thọ được nhận biết qua khai quật, gồm các nhóm:[1]

  • Gạch: gồm gạch múi bưởi, gạch bìa hình chữ nhật, gạch lát nền hình vuông. Các loại gạch có kích cỡ khác nhau, có thể có trang trí hoa văn hình học.
  • Ngói: có hai loại chính là ngói ống và ngói bản. Ngói ống có dạng hình như một ống tre bổ đôi thành một nửa có dạng hình lòng máng hay bán viên trụ, làm bằng khuôn có lớp vải ở mặt trong, mặt ngoài (mặt dương) thường có hoa văn chải chéo. Ở đây còn có loại ngói ống có phần đầu ngói (ngoã đương) là hàng ngói cuối cùng của mái, thường được trang trí hình mặt hề, hình cánh sen. Ngói bản có độ cong doãng, thường có hoa văn trang trí ở mặt âm (mặt dưới của mái và là mặt cong lồi của viên ngói). Đầu của loại ngói này thường có các hoa văn như: văn in ô vuông, văn trám lồng hoặc văn xương cá...
Ngói và gạch ở Tam Thọ có các màu sắc chủ đạo là đỏ, hồng, xám, tím, ngoài ra còn có các màu trung gian, do độ nung và chất đất khác nhau. Một số viên gạch, ngói do được nung ở nhiệt độ rất cao nên đã trở thành loại sành xốp.
  • Nhóm hiện vật là đồ minh khí (thường dùng chôn theo mộ): mô hình nhà trang trại, mô hình kho thóc, mô hình giếng...
  • Nhóm hiện vật là công cụ sản xuất: chì lưới, dọi xe chỉ, bàn dập hoa văn gốm.
  • Nhóm hiện vật là tượng động vật nhỏ: lợn, bò có bướu, vịt, được nặn sơ sài như đồ chơi của trẻ con.

Hoa văn trên đồ gốm Tam Thọ rất đa dạng, gồm có ít nhất 10 loại khác nhau. Các loại hoa văn chủ đạo: hoa văn in ô trám (văn trám đơn, văn trám lồng), hoa văn in ô vuông, hoa văn hình hoa thị, hoa văn xương cá hoặc lá dừa, hoa văn phên đan, hoa văn thừng, hoa văn chải, hoa văn sóng nước và văn vòng chỉ chìm, hoa văn đắp nổi...[1]

Một lượng nhất định đồ gốm ở đây được tráng men, với các màu cơ bản như: men ngà, men ngọc non. Đồ gốm men Tam Thọ chưa đạt đến kỹ thuật cao.[1]